Kinh nghiệm về mô hình quản trị đại học ở Israel

07/05/2019 In bài viết

Căn cứ kế hoạch thực hiện nhiệm vụ KH&CN thuộc Chương trình KHGD cấp quốc gia “Nghiên cứu mô hình đại học tự chủ và các giải pháp tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030”, mã số KHGD/16-20.ĐT006 do Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì, Nhóm nghiên cứu đã có chương trình làm việc tại Israel để tìm hiểu thông tin về kinh nghiệm mô hình quản trị đại học ở Israel. Bài viết dưới đây là những chia sẻ của nhóm nghiên cứu đã rút ra được sau chuyến đi

1.      Tổng quan về hệ thống GD ĐH Israel

Chính phủ Israel xác định nguồn tài nguyên lớn nhất của đất nước này có được chính là con người. Những người dân Israel với bản chất vượt khó, biết ước mơ và luôn vươn tới sự sáng tạo, đột phá. Để tối ưu hóa nguồn nhân lực Israel cần có một hệ thống giáo dục hiệu quả và ngày nay không thể phủ nhận hệ thống giáo dục, các chính sách về giáo dục, các mô hình giáo dục đã đóng vai trò không nhỏ vào việc giúp đất nước này đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực mà đăng biệt là về khoa học công nghệ.

Để hỗ trợ hoạt động nghiên cứu trong trường đại học, Israel có chương trình Cơ sở hạ tầng quốc gia để đưa ra khung hành động cho hoạt động đầu tư của chính phủ. Theo đó, chính phủ đầu tư vào những dự án nghiên cứu trong các lĩnh vực ưu tiên quốc gia, dựa vào tầm nhìn chiến lược về nhu cầu kinh tế trung và dài hạn. Hơn 80% số quỹ của Bộ Khoa học - Công nghệ và Vũ trụ được dành cho các viện nghiên cứu và viện hàn lâm để gây dựng các cơ sở khoa học và con người. Chương trình tài trợ nghiên cứu cũng đóng vai trò cầu nối giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, giúp rút ngắn thời gian đưa các ý tưởng công nghệ vào thực tiễn. Hằng năm, chương trình này được bộ chi khoảng 1-1,5 triệu USD. Bộ cũng chi khoảng 2 triệu USD cho các học bổng KH&CN dành cho mức độ từ sắp tốt nghiệp tới sau tiến sỹ.

Ngoài ra, Israel cũng có thành lập trung tâm tri thức ở các viện nghiên cứu, mua sắm trang thiết bị hiện đại để các nhà nghiên cứu thuận lợi hơn khi triển khai công việc của mình. Một nguyên lý cơ bản đằng sau tự chủ đại học là các cơ sở giáo dục đại học sẽ vận hành tốt hơn nếu họ được nắm vận mệnh của chính mình. Tự chủ sẽ tạo động lực để họ đổi mới nhằm đạt hiệu quả cao hơn trong hoạt động của mình, đồng thời cũng làm tăng tính cạnh tranh giữa các cơ sở giáo dục đại học, tạo điều kiện để đa dạng hóa các hoạt động giáo dục.

   Hệ thống giáo dục đại học bao gồm các trường đại học, các trường cao đẳng và các tổ chức giáo dục đại học phi chính phủ và tất cả đều hoạt động theo mô hình tự chủ và tự do hoàn toàn trong các vấn đề học tập. Hội đồng giáo dục đại học được thành lập theo Luật giáo dục đại học năm 1958, là cơ quan cấp phép và công nhận giáo dục đại học tại Isreal, đây là một cơ quan luật định độc lập gồm 19-25 thành viên (bao gồm cả Bộ trưởng Bộ giáo dục và văn hóa) do Tổng thống Israel chỉ định theo đề nghị của Chính phủ nước này. Hội đồng giáo dục đại học được luật pháp quy định để tư vấn cho Chính phủ và sự phát triển cũng như tài trợ cho giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học. Đồng thời Hội đồng giáo dục đại học là cơ quan xây dựng chính sách cho hệ thống giáo dục của Israel. Nhiệm vụ quan trọng của hội đồng này chính là bảo vệ quyền tự chủ cho các tổ chức giáo dục đại học về các vấn đề hành chính, học thuật và ngân sách của các tổ chức đó được Chính phủ cung cấp. Quyền hạn chính của hội đồng giáo dục đại học: (i) Cấp phép thành lập và giấy phép hoạt động của các trường đại học; (ii) Đánh giá và công nhận một tổ chức là tổ chức giáo dục đại học; (iii) Uy quyền cho tổ chức giáo dục đại học được công nhận cấp cấp bằng vấn học thuật; (iv) Phê duyệt các nghiên cứu học thuật của một tổ chức giáo dục đại học được công nhận; (v) Đưa ra các đề xuất về củng cố mở rộng và phát triển tổ chức giáo dục đại học; (vi) Đề xuất Chính phủ (thông qua ủy ban kế hoạch và ngân sách giáo dục đại học các kế hoạch nhằm phát triển giáo dục đại học để xuất tỷ lệ ngân sách nhà nước tham gia vào ngân sách của hệ thống giáo dục đại học theo nhu cầu của xã hội và quốc gia; (vii) Đưa ra các khuyến nghị cho Chính phủ trong việc thành lập các cơ sở giáo dục bổ sung; (viii) Cấp giấy phép cho các chi nhánh của các cơ sở giáo dục nước ngoài; (ix) Tiến hành đánh giá chất lượng của các tổ chức giáo dục đại học.

   Bên cạnh đó Ủy ban Kế hoạch và ngân sách giáo dục của đại học của Hội đồng giáo dục đại học phân bổ ngân sách cho giáo dục đại học, đề xuất các kế hoạch phát triển giáo dục đại học (bao gồm các vấn đề về tài chính) và đảm bảo cân bằng ngân sách của Chính phủ cho giáo dục đại học. Nhiệm vụ của Ủy ban Kế hoạch và ngân sách giáo dục đại học: (i) Đóng vai trò như một cơ quan trung gian giữa chính phủ các tổ chức khác (quỹ quốc gia, các tổ chức công) và các tổ chức giáo dục đại học trong tất cả các vấn đề về ngân sách giáo dục; (ii) đề xuất ngân sách thường xuyên cho phát triển giáo dục đại học trên cơ sở nhu cầu của xã hội và của đất nước, đồng thời duy trì mô hình tự chủ, tự do trong học thuật và thúc đẩy phát triển giáo dục đại học; (iii) Phân bổ tổng kinh phí đã được phê duyệt giữa các tổ chức giáo dục đại học; (iv) Đề xuất các kế hoạch phát triển giáo dục cho Chính phủ và Hội đồng giáo dục đại học đồng thời đưa ra các kế hoạch hỗ trợ và thúc đẩy các đề xuất này; (v) Cài thiện sự phối hợp các tổ chức giáo dục đại học; (vi) Giám sát việc sử dụng ngân sách tại các tổ chức giáo dục đại học (tránh thâm hụt và bị lạm dụng)

2.      Quản trị hệ thống

Ở Israel có 66 cơ sở giáo dục đại học: 7 trường đại học nghiên cứu, Viện Weizmann (chỉ dành cho nghiên cứu cao cấp), Đại học Mở, 37 trường cao đẳng (trong đó 19 trường được chính phủ tài trợ và 18 ngân sách phụ), và 21 trường đại học giáo dục. Tất cả các tổ chức, bao gồm cả Đại học Mở, có tổng cộng hơn 300.000 sinh viên (CHE, 2014). Ngân sách giáo dục đại học đạt tổng cộng 9 tỷ NIS trong năm 2014 (Hiệp hội Sinh viên, 2013). Các cơ quan chịu trách nhiệm duy trì sự cân bằng giữa tự do học tập và giám sát giáo dục đại học là: Hội đồng Giáo dục Đại học (CHE) và Ủy ban Kế hoạch và Ngân sách (PBC). Đây là trách nhiệm cho tất cả các khía cạnh học tập, hành chính và tài chính của giáo dục đại học. Hơn nữa, các CHE và PBC, các cơ quan trực tiếp phụ trách hệ thống giáo dục đại học, có trách nhiệm nhất định đối với hoạt động và chức năng của các trường đại học (Hiệp hội Sinh viên, 2014).

Thành lập đầu tiên là Hội đồng Giáo dục Đại học -CHE, bắt đầu hoạt động vào cuối những năm 1950 theo Luật Giáo dục Đại học (1958). Luật này xác định rằng các vấn đề của giáo dục đại học nên chịu sự giám sát của một cơ quan độc lập sẽ xây dựng chính sách và đạt được các quyết định sau các cuộc thảo luận chuyên môn. Luật quy định rằng quyền tự chủ của các tổ chức giáo dục đại học để quản lý các vấn đề nội bộ của họ là được duy trì các dạng ngân sách. Hơn nữa, luật pháp quy định rằng ít nhất hai phần ba số thành viên của hội đồng sẽ được bầu dựa trên tư cách cá nhân của họ trong lĩnh vực giáo dục đại học. Số lượng thành viên sẽ dao động từ 19-25, và hội đồng sẽ được lãnh đạo bởi Bộ trưởng Bộ Giáo dục hiện tại. Các thành viên được bầu trong thời gian năm năm và phải nỗ lực để thực hiện các mục tiêu của CHE và trách nhiệm của họ.

Trách nhiệm của CHE là trong ba lĩnh vực chính: Kiểm định: Công nhận các tổ chức học thuật và bằng cấp, giám sát các mức độ được công nhận; cấp giấy phép của chi nhánh nước ngoài; công nhận bằng cấp của Judea và Samaria CHE. Lập kế hoạch: Đề xuất liên quan đến các tổ chức hiện tại và sự hợp tác của họ; đề xuất xúc tiến nghiên cứu; đề xuất thành lập các thể chế và đề xuất bổ sung liên quan đến sự tham gia của chính phủ vào ngân sách của trường học. Các lĩnh vực chịu trách nhiệm khác: Sử dụng các đối tượng được bảo vệ như trường đại học, trường kỹ thuật, vv; duy trì một hệ thống hỗ trợ cho sinh viên. Ngoài ra, vào năm 2003, CHE vận hành một hệ thống đánh giá chất lượng thực hiện đánh giá định kỳ các ngành hiện có.

Ủy ban Kế hoạch và Ngân sách -PBC được thành lập một vài năm sau khi CHE. Một sửa đổi Luật CHE (điều 3e), cùng với việc ban hành Quy chế của Hội đồng Giáo dục Đại học (1975), đã dẫn đến việc thành lập một ủy ban chịu trách nhiệm xác định ngân sách giáo dục đại học và trình chính phủ phê duyệt. Trong Nghị quyết 666, chính phủ ủy quyền cho PBC làm cơ quan độc lập để một mặt phối hợp giữa chính phủ và các cơ sở đào tạo quốc gia và mặt khác các tổ chức giáo dục đại học trong tất cả các vấn đề ngân sách. PBC có trách nhiệm đề xuất ngân sách giáo dục đại học không thiên vị trong việc cân nhắc các nhu cầu xã hội và quốc gia; xác định phân bổ các quỹ thường xuyên và phát triển giữa các tổ chức khác nhau; đệ trình các đề xuất cho chính phủ và CHE liên quan đến các kế hoạch phát triển và các lựa chọn để tài trợ cho họ; giám sát việc sử dụng hiệu quả ngân sách; tư vấn cho CHE về việc mở các tổ chức mới hoặc các đơn vị mới trong các tổ chức hiện tại. Ủy ban bao gồm bảy thành viên, bao gồm cả chủ tịch, năm trong số đó là từ giới học thuật và các đại diện công cộng còn lại từ các lĩnh vực kinh tế. Các thành viên của ủy ban được bổ nhiệm bởi Bộ trưởng Bộ Giáo dục, với sự đồng ý của Chủ tịch PBC và sự chấp thuận của CHE. Các cuộc họp được thực hiện trong ba năm với tùy chọn gia hạn thêm ba năm nữa.

3.      Quản trị cấp trường

Hệ thống giáo dục của Israel phục vụ cho một tập thể dân số phức tạp và không đồng nhất( 79% là người Do Thái 20,7% là người Ả Rập, 75 % dân số được sinh ra từ Israel còn lại là những người được phép nhập cư vào Israel đến từ khắp nơi trên thế giới). Chính vì lý do này hệ thống giáo dục Israel có một đặc điểm như đa dạng trong các mô hình trường học và các chương trình giáo dục có tính linh hoạt cao. Các trường học được điều hành theo mô hình tự chủ, có quyền ra quyết định, phân công trách nhiệm và chịu trách nhiệm về kết quả. Người đứng đầu các trường đại học được quyền tự do điều hành các hoạt động giáo dục của nhà trường theo cách mà họ nghĩ là phù hợp, chỉ cần đảm bảo điều kiện phát triển năng lực học tập và nâng cao kết quả học tập của học sinh. Người đứng đầu các trường học đã nắm bắt cơ hội này để huy động tối đa các nguồn lực, khuyến khích các ý tưởng mới, điều hành quá trình đổi mới giáo dục trong trường học và trong cộng đồng. Có thể nói lại Isreal, người đứng đầu một trường học thường được xem như một “doanh nhân khởi nghiệp”, tức là người không chỉ tuân thủ các áp lực của thể chế (cải thiện kết quả học tập của sinh viên), hoàn thành các trách nhiệm theo quy định, mà họ còn phải đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy các sáng kiến thay đổi mà họ cho là phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng trường học.