Thực hiện kế hoạch khảo sát của Đề tài khoa học và công nghệ “Nghiên cứu mô hình trường đại học đáp ứng cách mạng công nghiệp 4.0 (“Đại học 4.0”) ” mã số KHGD/16-20.ĐT.007 thuộc Chương trình Khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam”, đoàn công tác đã Nghiên cứu, tham khảo và trao đổi bộ tiêu chí xếp hạng gắn sao QS star và công cụ đánh giá mức độ thích ứng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của các trường đại học Việt Nam và Khảo sát mô hình đại học định hướng đổi mới sáng tạo của Đại học Công nghệ Nanyang, với những kết quả như sau:

1. Thảo luận với chuyên gia xếp hạng QS về Bộ tiêu chí đánh giá mức độ thích ứng CMCN 4.0 của Việt Nam và tiếp cận mới của QS.
Thành phần phía QS: Bà Mandy Mook, ông Samuel và Pieter E. Stek (Delft University of Technology, The Netherlands).
1.1.a Trao đổi với các chuyên gia QS về các tiêu chí đánh giá mức độ thích ứng CMCN 4.0 của đề tài
- Bộ tiêu chí của đề tài đã được dịch ra tiếng Anh, chuyên gia QS đã nghiên cứu trước 2 tuần.
- Chuyên gia QS đã trao đổi thống nhất triết lý và nội hàm của đại học thích ứng CMCN 4.0: là đại học (có nền tảng) thông minh và định hướng đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0.
- Các nhận xét của chuyên gia:
Các tiêu chí về quản trị đại học có tính hình thức, nếu không quản lý tốt các trường sẽ dễ đối phó. Tiêu chí đánh giá uy tín đội ngũ giảng viên thông qua chức danh GS, PGS chỉ có hiệu quả nếu chức danh đó có tính quốc gia, còn nếu các trường tự phong thì không có ý nghĩa. Lưu ý về tiêu chí đánh giá số lượng các chương trình đào tạo có tính liên ngành, vì thực chất các chương trình đào tạo kỹ sư đều đã có tính liên ngành. Chỉ số về số lượng sáng chế quốc tế, nên có định nghĩa, vì tổ chức quốc tế như WIPO... không cấp bằng sáng chế. Cần quan tâm đến chỉ số mức độ có việc làm của sinh viên tốt nghiệp.
1.1.b. Kinh nghiệm và phát triển mới của các chuyên gia QS
Các chuyên gia QS đang có sáng kiến thiết lập một bảng xếp hạng mới tập trung đánh giá mức độ có việc làm và kỹ năng của sinh viên với triết lý: trong lúc các bảng xếp hạng AWRU, THE và QS chỉ quan tâm đến đại học nghiên cứu và chỉ tạo diễn đàn cho khoảng 1000 trường đại học (chỉ chiếm khoảng 3% tổng số) thì 97% các trường còn lại không được tôn vinh, đánh giá, mặc dù họ đều có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Sứ mệnh các trường có thể khác nhau, nhưng mục đích đào tạo sinh viên có kỹ năng và việc làm tốt đều giống nhau. Do đó trong thời gian tới, đồng thời với việc duy trì các bảng xếp hạng đại học nghiên cứu, cần quan tâm thêm cả các trường đại học định hướng ứng dụng và nghề nghiệp.
Xếp hạng các trường đại học định hướng nghề nghiệp sẽ tiếp cận phân loại 22 nhóm nghề nghiệp và tiêu chí giáo dục phát triển bền vững của UNESCO. Bộ tiêu chí gồm 3 nhóm: uy tín của CSGD; hoạt động đào tạo và nghiên cứu; và kết quả đầu ra. Trong đó cũng đánh giá theo tổng điểm (600 điểm) và có quan tâm đến khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo như bộ tiêu chí của đề tài 4.0 đề xuất.
Nhóm công tác có thu thập được tài liệu chi tiết do các chuyên gia QS cung cấp. Tuy nhiên, vì lý do bảo mật nên chưa thể kèm theo báo cáo này.
Cách tiếp cận của đề tài đại học 4.0 có quan điểm khá tương đồng với các tiêu chí của QS, có thể áp dụng cho cả hai nhóm đại học nghiên cứu và ứng dụng.
1.2. Khảo sát và trao đổi về mô hình đổi mới sáng tạo của Đại học Công nghệ Nanyang (NTU)
- Thành phần phía NTU: GS. L. Bo (Chủ nghiệm Khoa SĐH liên ngành). GS. L. Tan Choong Hong (Giám đốc Trường Khoa học Tự nhiên) và Shen Zexiang (Trường Toán – Lý)
- Nghe giới thiệu mô hình đổi mới sáng tạo của NTU, trong đó đặc biệt quan tâm đến mô hình đào tạo 1 học kỳ hoặc 1 năm với doanh nghiệp và sự hỗ trợ của Nhà trường, nhà nước đối với các dự án spin-off của giảng viên. Ngoài tài trợ của nhà nước và doanh nghiệp, NTU hỗ trợ thêm 500 nghìn đô la Singapore.
- Khả năng đề xuất hợp tác với Việt Nam thông quan đề án 911: NTU sẵn sàng hợp tác đào tạo tiến sỹ theo hình thức toàn thời gian hoặc phối hợp với các trường đại học Việt nam.
Một số hình ảnh hoạt động và tài liệu của đợt khảo sát gửi kèm trong phụ lục.
2. Kiến nghị
Ngoài các thông tin hỗ trợ cho các nghiên cứu của đề tài, đoàn công tác kiến nghị với Ban chủ nhiệm chương trình và lãnh đạo Bộ GD&ĐT 2 vấn đề:
2.1. Xem xét tạo điều kiện triển khai hợp tác với các chuyên gia QS để nghiên cứu vấn đề cơ sở khoa học và thực tiễn đánh giá mức độ đào tạo kỹ năng và đáp ứng việc làm của các trường đại học Việt Nam. Thực hiện thí điểm và chuyển giao công nghệ, công cụ áp dụng cho Việt Nam. Đây là một đề xuất có tính khoa học và thực tiễn cao, góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả của công tác đo lường, đánh giá chất lượng giáo dục – một vấn đề còn khá bất cập ở Việt Nam.
2.2. Kết nối thông tin đến các đơn vị liên quan của Bộ và các trường đại học có nhu cầu đào tạo tiến sĩ cho giảng viên để hợp tác với NTU.