Chuyên đề: Luật giáo dục đại học Nước CHND Trung Hoa

30/10/2017 In bài viết

Đề tài KHGD/16-20.ĐT.003 “Quản lý nhà nước đối với giáo dục đại học: Một số kinh nghiệm của Trung Quốc và khuyến nghị cho Việt Nam”


PGS. TS. Mai Ngọc Anh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân- Chủ nhiệm đề tài

Hệ thống Luật Giáo dục đại học của Trung Quốc được xây dựng ban hành lần đầu năm 1998 và sửa đổi trong năm 2015 đều có kết cấu 8 chương với 69 điều, cụ thể như sau:

Chương I Các quy định chung: quy định nhiệm vụ, trách nhiệm của giáo dục đại học của Trung Quốc trong quá trình phát triển kinh tế xã hội; cơ hội tham gia đầu tư phát triển giáo dục đại học của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước; khẳng định quyền của người dân được tham gia vào hệ thống này và trách nhiệm của nhà nước trong việc hỗ trợ nhóm đối tượng yếu thế được tham gia vào hình thức đào tạo này; phân công trách nhiệm về quản lý nhà nước đối với giáo dục đại học giữa chính quyền trung ương, chính quyền địa phương.

Chương II Hệ thống Giáo dục Đại học: quy định các loại hình trường, các hình thức thực hiện giáo dục đại học; các trình độ của giáo dục đại học cũng như các tiêu chuẩn đầu ra đối với các trình độ giáo dục đại học; thời gian đào tạo; nhà nước kiểm soát việc cấp bằng của các cơ sở giáo dục đại học; Luật cho phép các cơ sở giáo dục đại học được thực hiện các chương trình giáo dục theo nhu cầu xã hội căn cứ vào điều kiện và năng lực của nhà trường.

Chương III Thành lập cơ sở giáo dục Đại học: quy định về việc thành lập trường đại học như phải phù hợp với chiến lược phát triển giáo dục của quốc gia, phải đảm bảo lợi ích của xã hội và hoạt động không vì mục đích lợi nhuận; trường đại học mới được thành lập phải có tối thiểu ba ngành, có đội ngũ sư phạm có chuyên môn tham gia giảng dạy, thực hiện nghiên cứu khoa học; các tiêu chí cụ thể đối với việc thành lập các trường đại học, được ủy quyền bởi các phòng ban liên quan của Hội đồng Nhà nước hoặc tỉnh, chính quyền nhân dân tự trị khu vực và thành phố của phù hợp với các nguyên tắc quy định của Hội đồng Nhà nước; Chương này cũng quy định hệ thống tài liệu phải nộp theo hồ sơ thành lập trường, bao gồm: (A) báo giá thầu; (B) tài liệu nghiên cứu khả thi; (C) các điều khoản của hiệp hội; (D) các tài liệu khác theo yêu cầu của cơ quan kiểm tra và phê duyệt theo quy định của Luật như : (1) tên của trường học, địa điểm trường học; (2) mục đích điều hành trường học; (3) quy mô chạy trường; (4) thiết lập các nguyên tắc; (5) hình thức giáo dục; (6) hệ thống quản lý nội bộ; (7) Nguồn tài chính, tài sản và hệ thống tài chính; (8) quyền và nghĩa vụ giữa nhà tổ chức và nhà trường; (9) các thủ tục sửa đổi các điều khoản của hiệp hội;(10) Những vấn đề khác phải được quy định bởi các điều khoản của hiệp hội; ngoài ra chương cũng quy định quyền hành chính đối với việc sáp nhập, giải thể các cơ sở giáo dục đại học.

Chương IV Tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục Đại học: cho phép các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ trong điều chỉnh các ngành và chuyên ngành đào tạo; tự chủ lựa chọn, tổ chức và thực hiện các hoạt động giảng dạy; tiến hành nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và dịch vụ xã hội; thực hiện trao đổi khoa học kỹ thuật và văn hóa độc lập và hợp tác với các trường đại học nước ngoài; chức bộ máy và nhân sự giảng dạy, nghiên cứu, hành chính và các phòng ban; theo quy định của nhà nước có liên quan, làm cho giáo viên và cán bộ chuyên môn và kỹ thuật khác nhiệm vụ, điều chỉnh lợi ích và tiền lương; chương này quy định rõ quy trình bổ nhiệm lãnh đạo cơ sở giáo dục đại học; vai trò, trách nhiệm nhiệm của Hiệu trưởng, trong điều hành cơ sở giáo dục đại ; việc thành lập Hội đồng khoa học trường; các bộ phận hành chính giáo dục và các bộ phận giám sát, đánh giá chất lượng giáo dục; trách nhiệm của bí thư trong thực hiện đường lối của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại các cơ sở giáo dục đại học với những nguyên tắc hoạt động của nhà nước xã hội chủ nghĩa, lãnh đạo công tác tư tưởng, chính trị và giáo dục đạo đức trường đại học; bí thư thảo luận và quyết nghị  về đội ngũ cán bộ chủ chốt; thảo luận về các vấn đề cải cách, phát triển trường đại học.

Chương V Cán bộ, giảng viên cơ sở giáo dục đại học: theo đó chỉ ra những yêu cầu về năng lực đối với giảng viên đại học trong giảng dạy và nghiên cứu. Luật cũng xác định những yêu cầu cụ thể đối với giảng viên bậc đại học do Hội đồng Nhà nước quy định. Giảng viên và Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học ký kết hợp đồng lao động theo nguyên tắc bình đẳng và tự nguyện. Cơ sở giáo dục đại học phải cung cấp điều kiện thuận lợi cho giáo viên tham gia đào tạo, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật; nhà quản lý, cán bộ phòng ban chuyên môn được quyền tham gia hoạt động giảng dạy chuyên môn.

Chương VI Sinh viên Đại học: sinh viên theo học tại các trường đại học phải nộp học phí theo quy định của nhà nước; sinh viên đến từ các gia đình nghèo có thể nộp đơn xin trợ cấp hoặc miễn học phí; sinh viên có thể nhận được học từ các cá nhân, tổ chức; sinh viên có thể tham gia vào các hoạt động phục vụ cộng đồng, làm thêm nhưng không làm ảnh hưởng đến thời gian học tập; trường đại học có trách nhiệm trong cung cấp thông tin, hướng dẫn và giới thiệu việc làm cho sinh viên; khuyến khích sinh viên tốt nghiệp về làm việc tại các vùng sâu vùng xa.

Chương VII Tài chính đối với cơ sở giáo dục đại học; bộ phận hành chính về giáo dục trực thuộc Hội đồng Nhà nước phối hợp với các bộ phận liên quan khác thuộc Hội đồng Nhà nước xác định chi phí đào tạo bình quân sinh viên; quy định các nguyên tắc và tiêu chuẩn về tài chính đại học cơ bản; các ấn phẩm giáo dục, lợi nhuận từ chuyển nhượng sở hữu trí tuệ và thành tựu khoa học - công nghệ khác của cơ sở giáo dục đại học được hưởng ưu đãi về thuế; các cơ sở giáo dục đại học chủ động trong thu hút nguồn đầu tư từ các tổ chức, cá nhân; hoạt động tài chính của cơ sở giáo dục đại học phải chịu sự giám sát theo pháp luật.

Chương VIII Các điều khoản bổ sung: với 4 điều gắn với hoạt động thi hành luật, và trách nhiệm của các bên liên quan.

So với Luật giáo dục đại học 1998, Luật giáo dục đại học sửa đổi và có hiệu lực từ tháng 1 năm 2016 có 7 điểm khác biệt, cụ thể như sau:

Thứ nhất, Điều 4 (Chương 1) được sửa lại để làm rõ mục tiêu của giáo dục đại học: "Giáo dục đại học phải thực hiện chính sách giáo dục quốc gia, phục vụ nhân dân, phục vụ công cuộc hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa, tạo ra được sự kết hợp lao động có hiệu quả với thực tiễn xã hội, người học được giáo dục về đạo đức, trí tuệ và thể chất, cùng các yếu tố khác của sự phát triển toàn diện để kế thừa và phát triển xã hội chủ nghĩa". Giáo dục đại học theo đó tập trung vào đào tạo năng lực và nâng cao trách nhiệm xã hội của người học đối với phát triển đất nước.

Thứ hai, Điều 5 (Chương 1) được sửa đổi thành: "Nhiệm vụ của giáo dục đại học là trau dồi tinh thần trách nhiệm xã hội, tinh thần sáng tạo và khả năng thực tiễn của đội ngũ cán bộ cao cấp, thúc đẩy sự phát triển của khoa học và công nghệ, hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa". Trách nhiệm xã hội của người học trở thành một nhiệm vụ quan trọng mà các cơ sở giáo dục đại học phải thực hiện.

Thứ ba, Điều 24 (Chương 3) được đổi thành: "Thành lập cơ sở giáo dục đại, phải phù hợp với kế hoạch phát triển giáo dục đại học quốc gia, phù hợp với lợi ích quốc gia, lợi ích xã hội và lợi ích công cộng".

Thứ tư, Điều 29 (Chương 3) được sửa đổi như sau: "việc thành lập các cơ sở giáo dục đại học trở lên do cơ quan giáo dục của Quốc Vụ Viện; việc thành lập các cơ sở cao đẳng chuyên nghiệp do tỉnh, thành phố, khu tự trị trực thuộc trung ương ra quyết định, sau đó báo cao lên Bộ Giáo dục. Việc phê chuẩn thành lập trường đại học căn cứ vào ý kiến chuyên gia.
Các cơ sở giáo dục đại học khác do cơ quan cơ quan phụ trách giáo dục của chính quyền tỉnh, thành phố, khu tự trị trực thuộc trung ương ra quyết định.

Thứ năm, Điều 42 (Chương 3) được sửa đổi như sau: "Việc thành lập hội đồng khoa học trong các trường cao đẳng, đại học thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
(1) xây dựng định hướng đào tạo, nghiên cứu khoa học;
(2) đánh giá giảng dạy, kết quả nghiên cứu khoa học;
(3) giải quyết tranh chấp học vấn;
(4) đánh giá những hành vi sai trái trong học tập;
(5) căn cứ quy định của Hội đồng khoa học, quyết định về sự phát triển học thuật, đánh giá học tập, các chuẩn mực học thuật về các vấn đề khác."

Thứ sáu Điều 44 (Chương 3) được sửa đổi: "Các cơ sở giáo dục đại học xây dựng hệ thống đánh giá trình độ học vấn, chất lượng giáo dục, công bố kịp thời các thông tin có liên quan và chịu sự giám sát xã hội.
Bộ phận hành chính của trường chịu trách nhiệm tổ chức đánh giá nội bộ và hỗ trợ thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục để đánh giá mức độ giáo dục, hiệu quả và chất lượng giáo dục. Kết quả đánh giá sẽ được công khai với công chúng."

Thứ bảy, Điều 60 được sửa đổi như sau: "quy định của nhà nước là căn cứ để các cơ sở giáo dục đại học tiến hành huy động vốn, xác định các cơ chế chia sẻ chi phí giáo dục hợp lý cho đào tạo" Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học chủ động trong việc huy động quỹ tài chính nhằm phát triển hoạt động giảng dạy, nghiên cứu của nhà trường.

Dựa trên nghiên cứu kinh nghiệm về Luật giáo dục đại học của Trung Quốc, Nhóm nghiên cứu khuyến nghị:

Luật Giáo dục đại học của Việt Nam sửa đổi nên có 01 chương về quy định chung trong đó quy định nhiệm vụ, trách nhiệm của giáo dục đại học Việt Nam; cơ hội tham gia đầu tư phát triển giáo dục đại học của cá nhân tổ chức trong và ngoài nước; quyền của người dân được tham gia vào hệ thống này và trách nhiệm của nhà nước trong phát triển giáo dục đại học.

Nên kết cấu lại các chương từ 1 đến 11 thành các chương để làm rõ các nội dung: (i) Hệ thống giáo dục đại học, (ii) thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể cơ sở giáo dục đại học; đình chỉ hoạt động đào tạo (iii) Tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học; (iv) cán bộ, giảng viên cơ sở giáo dục đại học;(v) người học;  (vi) tài chính đối với các cơ sở giáo dục đại học; (vii) kiểm định chất lượng giáo dục đại học.

Chương 1, nên làm rõ hơn vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với giáo dục đại học của các cấp chính quyền trung ương, chính quyền địa phương

Ngoài ra, Nhóm còn có một số kiến nghị điều chỉnh cụ thể trong Luật giáo dục đại học 2012.