Quản lý nhà nước đối với giáo dục đại học: Một số kinh nghiệm của Trung Quốc và khuyến nghị cho Việt Nam

29/05/2018 In bài viết

Căn cứ kế hoạch thực hiện nhiệm vụ KH&CN thuộc Chương trình KHGD cấp quốc gia “Quản lý nhà nước đối với tự chủ đại học : Kinh nghiệm của Trung quốc và khuyến nghị cho Việt Nam”, mã số  KHGD/16-20.ĐT003 do trường Đại học Kinh tế quốc dân chủ trì. Các địa điểm mà nhóm nghiên cứu đến làm việc và học tập kinh nghiệm quản lý nhà nước đối với giáo dục đại học tại Bộ Giáo dục Trung Quốc, một số trường Đại học và đơn vị sử dụng lao động ở 2 tỉnh, thành phố (Bắc Kinh, Hồ Bắc). Sau chuyến đi khảo sát, nhóm nghiên cứu đã đúc rút được những kinh nghiệm như sau:

Thứ nhất: về chiến lược phát triển giáo dục đại học của Trung Quốc.

Chiến lược phát triển giáo dục trung hạn, dài hạn giai đoạn 2010 – 2020 xác định 2 mục tiêu cần đạt được (i) xây dựng được đội ngũ nhân tài; (ii) xây dựng một xã hội toàn dân học tập với tỷ lệ 40% dân số trong độ tuổi được đi học giáo dục đại học. Tháng 10/2017 Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 19, khẳng định các mục tiêu của Chiến lược phát triên giáo dục trung hạn, dài hạn giai đoạn 2010 – 2020 đã được hoàn thành. Đại hội cũng nhấn mạnh đến 2020 Trung quốc bước vào xã hội khá giả toàn diện; 2035 bước vào thời kỳ xã hội chủ nghĩa hiện đại hóa toàn diện, có nền giáo dục hiện đại hoá, phát triển cân bằng; 2049 trở thành một xã hội hài hòa, dân chủ, mỹ lệ và hiện đại hóa toàn diện

Đoàn khảo sát làm việc với Trung tâm đánh giá giáo dục đại học tại Trung Quốc

Đến 2030: đang xây dựng chính sách để phổ cập GDĐH (năm 2017, tỷ lệ SV cao đẳng và đại học trong độ tuổi ở Trung Quốc là 42,7%, hoàn thành mục tiêu chiến lược giáo trục trung hạn, dài hạn). Mục tiêu trở thành nước có nền giáo dục lớn nhất thế giới, giáo dục công bằng, chất lượng và có cạnh tranh.

Về giáo dục đại học: Hiện nay Trung Quốc đang tập trung vào mục tiêu phát triển 42 trường song trọng điểm: đào tạo 59 ngành trọng điểm và đào tạo tư tưởng chính trị, đạo đức người học để phục vụ xây dựng và phát triển chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc.

Về hỗ trợ đào tạo: Kinh phí cho giáo dục là hơn 4% GDP, giáo dục đại học chiếm 25% trong tổng số chi tiêu cho giáo dục của Trung Quốc (riêng các trường song trọng điểm chỉ nhận hỗ trợ từ chính phủ 2% tổng số đầu tư cho GDĐH). Chính phủ đã rót nhiều tiền hơn để hỗ trợ khu vực phía Tây và khu vực nông thôn chiếm đến 80% của 75% kinh phí còn lại cho giáo dục. Chính phủ hỗ trợ đào tạo đại học với phương châm đào tạo ra những nhân tài để phục vụ sự phát triển của xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chính phủ tiếp tục đầu tư phát triển nghiên cứu ứng dụng và xây dựng các trường đẳng cấp quốc tế (nhóm 1), trường được thế giới biết đến (nhóm 2).

Về xây dựng đội ngũ giáo viên ngành sư phạm: Tháng 1 năm 2018, Quốc vụ viện ra văn bản quy định về đào tạo đội ngũ giáo viên (quyền nghĩa, vụ và ưu đãi đối với giáo viên). Mục tiêu đặt ra: ngành giáo dục trở thành ngành ưu tiên hàng đầu của xã hội và nghề giáo là nghề được coi trọng nhất trong xã hội với mức lương cao nhất. Từ 2007, Quốc vụ viện ra văn bản quy định toàn bộ sinh viên vào ngành sư phạm được miễn học phí và nhiều hỗ trợ rất lớn nhằm khuyến khích giảng viên về dạy ở các vùng khó khăn.  

Tóm lại: Chính sách phát triển giáo dục đại học của Trung Quốc gắn liền với chính sách phát triển kinh tế xã hội theo từng thời kỳ của quốc gia này.

Thứ 2:  về tự chủ đại học.

Tự chủ về bộ máy, nhân sự: Chưa có quy định bắt buộc các trường phải có hội đồng trường, nhiều trường đại học thuộc dự án 985, 211 chưa thành lập hội đồng trường như Đại học Vũ Hán. Vai trò của Hội đồng trường là tư vấn và huy động tài trợ cho trường. 

Hình ảnh đoàn làm việc tại trường ĐH Vũ Hán

Bí thư trường không kiêm Hiệu trưởng trường (tại các đại học mà đoàn khảo sát).

Các trường đại học công lập được Quốc vụ viện giao chỉ tiêu biên chế, tuy nhiên các trường thường không sử dụng hết chỉ tiêu được giao, mà tiến hành ký hợp đồng lao động và sử dụng biên chế còn lại để thu hút nhân tài.

Về tiền lương: nhà nước đảm bảo lương cơ bản cho đội ngũ cán bộ thuộc biên chế, ngoài ra nhà trường còn trả thêm lương cho đội ngũ giảng viên dựa trên kết quả thực hiện công việc và nguồn tài chính mà nhà trường huy động được. Chính quyền trung ương, chính quyền địa phương có những ưu đãi về nhà ở, việc làm cho người thân và học hành cho con cái giảng viên cùng những hỗ trợ về tài chính cho nhân tài làm việc tại các trường đại học ở Trung Quốc. Hiệu trưởng được quyền tự chủ trong điều hành nhà trường dưới định hướng của đảng ủy trường (bổ nhiệm miễn nhiệm trưởng khoa, sáp nhập, tách nhập các đơn vị trực thuộc…). Việc phong giáo sư, phó giáo sư do trường thực hiện theo những tiêu chuẩn của nhà nước và thông qua 3 hội đồng, cấp khoa, cấp viện và cấp trường. Đội ngũ lãnh đạo nhà trường (Hiệu trưởng, Hiệu phó, thường vụ đảng ủy) do đơn vị chủ quản bổ nhiệm.

Về tài chính: Nguồn tài chính của nhà trường bao gồm: Ngân sách nhà nước cấp cho chi thường xuyên, ngân sách nhà nước cấp cho chi đầu tư phát triển thông qua các dự án xây dựng trường, nghiên cứu khoa học. Đối với các dự án nghiên cứu khoa học, chính phủ Trung Quốc đầu tư tiền ngân sách để nhà trường nghiên cứu tạo ra sản phẩm. Sau khi sản phẩm khoa học được tạo ra, tiền thu được từ bán sáng chế sẽ trả cho nhóm nghiên cứu 70%, nhà trường giữ 30% còn lại. Nhà nước không thu hồi vốn đầu tư đối với hoạt động nghiên cứu. Học phí sinh viên được chính phủ hỗ trợ, khoảng 12.000 NDT/sinh viên/năm, và các trường thuộc dự án 985, 211 có mức học phí thấp hơn các trường công lập khác. Nhà trường được toàn quyền sử dụng mức học phí này. Không cổ phần hoá các trường đại học. Nhà trường được phép cho thuê cơ sở vật chất (ngân hàng, cửa hàng ăn, canteen ...) để bổ sung nguồn thu và tăng chất lượng dịch vụ của nhà trường.

Về đào tạo: các trường được tự chủ về học thuật và trong thực hiện đào tạo các chương trình quốc tế trong khuôn khổ chính sách chung của nhà nước. Việc đào tạo tiến sĩ chỉ được thực hiện theo hình thức tập trung, không đào tạo theo hình thức phi tập trung. Các trường đại học trọng điểm ngày càng chú trọng đào tạo sau đại học với số sinh viên đại học chiếm khoảng 50%, số còn lại là cao học viên, nghiên cứu sinh bao gồm cả trong nước và quốc tế. Các trường thực hiện kiểm định theo chu kỳ 5 năm.

Việc cấp bằng: do Uỷ ban Quản lý học vị của Quốc vụ viện quản lý. Uỷ ban uỷ quyền cho các trường trực thuộc Bộ Giáo dục cấp bằng nhưng phải báo cáo. Đối với các trường còn lại phải báo cáo lên Sở Giáo dục, Sở Giáo dục báo cáo lên Bộ Giáo dục và Bộ Giáo dục báo cáo lên UB Quản lý học vị, UB Quản lý học vị sẽ quyết định.

Thứ 3:  Về hỗ trợ sinh viên.

Nhà trường hình thành trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và tiến hành tổ chức các lớp bồi dưỡng khởi nghiệp, tạo cơ hội cho sinh viên đi thực tiễn.

Nhà trường có tổ chức các hội chợ giới thiệu việc làm cho sinh viên, mời các công ty đến trường để ký hợp đồng tuyển dụng lao động giữa 3 bên (nhà trường, đơn vị tuyển dụng và sinh viên) đối với sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp. Các hoạt động hỗ trợ việc làm sinh viên được chi từ ngân sách của nhà trường, sinh viên không phải đóng phí khi tham gia những hoạt động này.

Thứ 4 :  về kiểm định và đảm bảo chất lượng giáo dục đại học.

Hiện nay hệ thống giáo dục đại học của Trung Quốc bao gồm 2880 các trường cao đẳng và đại học với gần 37 triệu sinh viên và tỷ lệ tuyển sinh năm 2017 là 42,7%.

Hệ thống đảm bảo chất lượng quốc gia gồm có:

  • 1 hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia duy nhất để giám sát chất lượng
  • Hai trụ cột: đánh giá cơ sở đào tạo (5 năm 1 lần) và đánh giá chương trình đào tạo (6 năm 1 lần) với 3 cấp độ: đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng cơ bản, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng quốc gia và đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng quốc tế).
  • Ba đảm bảo: (1) đảm bảo chất lượng bên trong (tự đánh giá), (2) đảm bảo chất lượng bên ngoài (đánh giá bên ngoài) và (3) chất lượng quốc tế (đáp ứng yêu cầu và tham gia đánh giá theo tiêu chuẩn quốc tế).

Đánh giá giáo dục đại học được thực hiện dựa trên 3 nguyên tắc (i) kết hợp hệ thống trách nhiệm giải trình và định hướng rõ ràng; (ii) Kết hợp giữa tự đánh giá và đánh giá ngoài; (iii) nguyên tắc công bằng và không thiên vị.

Hình ảnh đoàn làm việc tại viện khoa học giáo dục quốc gia Trung Quốc

Năm điểm mới được coi là sáng tạo trong đảm bảo chất lượng giáo dục của Trung quốc:

  1. Triết lý mới: lấy sinh viên làm trung tâm, định hướng kết quả và liên tục cải tiến chất lượng
  2. Tiêu chuẩn mới: (i) đạt được mục tiêu giáo dục đặt ra, (ii) phù hợp với yêu cầu xã hội, (iii) hỗ trợ đầu tư cho giáo viên và cơ sở vật chất, (iv) hiệu quả trong vận hành đảm bảo chất lượng, (v) thoả mãn nhu cầu sinh viên và cơ quan sử dụng.
  3. Phương pháp mới: kết hợp giữa đánh giá định kỳ và giám sát thường xuyên về chất lượng
  4. Kỹ thuật mới: Xây dựng bộ dữ liệu quốc gia thống nhất giám sát giáo dục đại học gồm 7 lĩnh vực, 69 bảng và 560 tiêu chí.
  5. Công nghệ mới: Chính phủ, nhóm đánh giá, cơ sở giáo dục và xã hội đều có quyền tiếp cận thông tin.

Chính phủ chỉ kiểm định chứ không xếp hạng các cơ sở giáo dục. Việc thực hiện kiểm định trường trực thuộc bộ ngành ở trung ương do Trung tâm đánh giá giáo dục đại học của Bộ Giáo dục thực hiện; đối với các trường trực thuộc tỉnh, việc kiểm định do trung tâm đánh giá giáo dục của chính quyền địa phương thực hiện.

PGS. TS. Mai Ngọc Anh - PGS. TS. Đỗ Thị Hải Hà - TS. Nguyễn Đăng Núi ( Đơn vị chủ trì : Trường ĐH Kinh tế Quốc dân)